Sáng Thế Ký P 9

Viết bởi Thánh Kinh Thông Lãm | Vào lúc Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013


BÀI HỌC KINH THÁNH TRONG SÁNG THẾ KÝ 

Đề mục: SÁNG THẾ KÝ 1:1
Kinh thánh: Sáng. 1:1
Mục đích: Nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh thánh ngay trong câu Kinh thánh đầu tiên vừa hợp lý, hợp khoa học, vừa có sức mạnh bác bỏ các lý thuyết.

I/. SỰ HỢP LÝ CỦA SÁNG THẾ KÝ 1:1.
  • Sáng thế ký 1:1, Ban đầu Đấng Christ dựng nên trời đất.
  • Ngay câu đầu tiên của Kinh thánh đã trình bày cho chúng ta sự hợp lý của Kinh thánh, ngay cả trong phương diện về nguồn gốc của Muôn Vật.
1/. Thời điểm sáng tạo muôn vật:
  • Sáng. 1:1, BAN ĐẦU
  • Như chúng ta đã nói trong bài trước đây, hai chữ BAN ĐẦU (In the beginning) trong Sáng thế ký 1:1 nầy có thể dịch giải rõ hơn là KHỞI SƠ (KHỞI là bắt đầu; SƠ là đầu hết, trước hết, lúc chưa có gì hết). Vậy KHỞI SƠ hay là BAN ĐẦU của Sáng. 1:1 là sự bắt đầu từ lúc chưa có gì hết của vũ trụ nầy.
  • Khởi điểm đó là KHI NÀO?
  • Có người nói là Bốn Ngàn Năm trước khi Chúa giáng sanh, vì họ căn cứ vào các bản gia phổ trong sách Sáng thế ký đoạn 5 để tính ra từ A-đam đến Áp-ra-ham là 2.000 năm; từ Áp-ra-ham đến Chúa Jêsus Christ giáng sanh cũng là 2.000 năm.
  • Cũng có người căn cứ vào các di tích khảo cổ để đoán tuổi của nhân loại từ hàng triệu năm trước. Những sự đoán định nầy làm cho một số người vội vàng kéo dài MỘT NGÀY trong quá trình sáng tạo Vũ trụ ra MỘT THIÊN NIÊN KỶ, hoặc một KỶ.
  • Tôi tưởng rằng không cần thiết phải lo sợ để làm như vậy, vì các nhà Thần học cũng nhìn nhận rằng một thời kỳ được gọi là THỜI KỲ TIỀN (Trước) A-ĐAM. Những phát kiến khảo cổ hàng triệu năm trước tại sao không phải là thuộc thời Tiền A-đam (?)
  • Rõ ràng vì Kinh thánh không đưa ra một tiến trình theo nhân loại học là con người từ thời kỳ ăn lông ở lỗ tiến đến nhà cửa; từ hái lượm đến trồng tỉa. Kinh thánh đã bắt đầu từ một A-đam biết TRỒNG và GIỮ vườn (Sáng 2:15); đến đoạn 3:21 là con người biết may mặc; rồi đến 4:3-4, con người mà Sáng thế ký nói đến trong thời điểm sáng tạo là con người đã đạt đến nền văn minh nuôi trồng cũng như biết dùng LỬA…
  • Căn cứ vào Kinh thánh sách Sáng thế ký 1:1, chúng ta quyết chắc rằng dù muốn tin hay không tin Kinh thánh, chúng ta đều phải nhìn nhận là Vũ trụ nầy, muôn vật nầy, thế giới nầy đã có một thời điểm bắt đầu.
2/. Đấng sáng tạo Vũ trụ:
  • Sáng. 1:1, Ban đầu ĐỨC CHÚA TRỜI, dựng nên trời đất.
  • Nếu anh chị em chú ý sẽ thấy một nét đặc biệt của Kinh thánh qua câu Kinh thánh đầu tiên nầy. Ấy là Kinh thánh không chứng minh CÓ Đức Chúa Trời, mà ngay câu Kinh thánh đầu tiên đã mặc nhiên nhìn nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời.
  • Tại sao Kinh thánh không chứng minh có Đức Chúa Trời trước?
  • Vì đó là điều mà thánh Phao-lô đã nói trong Rôma 1:19, Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ… Nghĩa là từ trong lòng của mỗi người được sanh ra trên đất, ai cũng đều nhìn nhận có Đức Chúa Trời.
  • Cố Mục sư Nguyễn văn Trình đã thuật lại một câu chuyện xảy ra tại một Hội thánh vùng quê, thời chiến tranh. Hội thánh vùng quê nầy tổ chức truyền giảng Tin Lành vào ban đêm, dù nơi đó là nơi xôi đậu, không có điện Hội thánh dùng đèn Manchion. Đêm ấy có một vị Truyền đạo trẻ được mời đến giảng và Thầy nầy đọc Kinh thánh trong Thi thiên 14:1, Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; chẳng có ai làm điều lành.
  • Vừa đọc xong, có một vài cánh tay phía dưới người nghe đưa tay lên xin có ý kiến. Lập tức, vị Mục sư Quản nhiệm ngồi cạnh đó lên tiếng mời ai có ý kiến gì ra phía sau là phòng của Mục sư để thảo luận. Khi gặp Mục sư riêng, những người nầy nói: Tại sao Thầy Truyền đạo dám mắng họ là ngu dại? Cảm ơn Chúa cho Mục sư khôn ngoan trả lời: Tôi thấy Thầy Truyền đạo đâu có nói gì anh em đâu. Thầy ấy chỉ đọc Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời phán. Mà Chúa chỉ phán người nào trong lòng nói KHÔNG CÓ Đức Chúa Trời mới là ngu dại, còn lòng anh em đâu có nói như vậy.
  • Đó là lý do Kinh thánh không cần chứng minh CÓ Đức Chúa Trời. Kinh thánh chỉ xác định chính Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, đã sáng tạo vũ trụ, muôn vật, thế giới nầy. Một sự khẳng định rõ ràng, dứt khoát, không hề mang một tánh chất thần thoại, huyễn hoặc nào.
  • Trong những ngày ở tù vì Chúa tại Việt-Nam, một Cán Bộ Cộng sản nói với tôi rằng: Các anh là người Tin Lành thì cho rằng muôn vật bởi Đức Chúa Trời dựng nên; còn chúng tôi (ý của người Cán bộ nầy muốn nói về những người Cộng sản) thì cho rằng muôn vật tự nhiên mà có. Tôi đã làm việc với các Mục sư C. Mục sư H. Bây giờ anh nghĩ sao? Tôi nói với người Cán bộ đó rằng: Đó là một cuộc tranh luận không cùng. Giống như trong Toán học, mỗi chúng ta phải chấp nhận một trong hai tiền đề: Từ một điểm ngoài một đường thẳng, chúng ta có thể vẽ MỘT đướng thẳng song song với đường thẳng đó và chỉ một đường mà thôi; hoặc là vẽ được VÔ SỐ đường thẳng song song với đường thẳng đó. Nếu Cán bô nói muôn vật tự nhiên mà có, thì cứ đưa ra những bằng chứng. Rồi sau đó cho tôi đưa ra những bằng chứng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật. Tôi tin với sự KHÔN NGOAN Chúa cho, chúng ta sẽ biết đâu là triết lý, đâu là Chân lý.
  • Người Cán bộ đó khéo léo né tránh vấn đề bằng cách bảo tôi chứng minh trước. Tôi đã đưa ra những bằng cớ chứng minh Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật từ ngoại chứng đến nội chứng. Tôi nói xong sau gần một giờ đồng hồ, tôi đề nghị người Cán bộ đó đưa ra bằng cớ chứng minh muôn vật tự nhiên mà có, người Cán bộ đó không đề cập đến nữa.
  • Tôi nhớ vị Giáo sư Thần học của tôi đã từng dạy: Chứng minh có Đức Chúa Trời dễ hơn chứng minh không có Đức Chúa Trời. Quả đúng như vậy! Chính Chúa cũng phán: Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! (Êsai 45:5-7).
  • Cảm tạ Chúa ngay khi khởi sự Kinh thánh, Thánh Linh Đức Chúa Trời đã khẳng định:Ban đầu ĐỨC CHÚA TRỜI – là Đấng – dựng nên trời đất¸ (Sáng. 1:1)
3/. Cách sáng tạo muôn vật:
  • Sáng. 1:1, Ban đầu Đức Chúa Trời DỰNG NÊN trời đất.
  • Động từ được Kinh thánh dùng để nói về cách Đức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ là DỰNG NÊN – SÁNG TẠO.
  • Theo một cách định nghĩa: Sáng tạo là từ cái KHÔNG làm ra CÓ.
  • Kinh thánh thư Hê-bơ-rơ 11:3 cũng đã giải thích động từ sáng tạo của Đức Chúa Trời khi dựng nên muôn vật: Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.
  • Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể dùng hai chữ Sáng tạo. Kinh thánh làm chứng rằng Đức Chúa Trời phán … thì có như vậy (Sáng. 1:3, 9, …), Chúa phán thì có, Ngài không cần bất cứ nguyên vật liệu nào có sẵn.
  • Còn con người, thí dụ như người thợ mộc, cần phải có nguyên liệu gỗ, sắt … để làm ra một cái bàn, một cái ghế…
4/. Mục tiêu sáng tạo:
  • Sáng thế ký 1:1 cho biết Đức Chúa Trời dựng nên TRỜI và ĐẤT, nghĩa là tất cả bao gồm bầu trời, những vật thể trên trời và trái đất của chúng ta đang sống.
  • Đến 1:2, Kinh thánh đã xoay chúng ta về với trái đất của chúng ta: Vả, đất là vô hình và trống không…
  • Tại sao Kinh thánh chú ý trọng đến trái đất?
  • Vì Kinh thánh được viết ra là để trình bày chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Đó là mục tiêu chính của công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời.
  • Vì vậy, anh chị em biết rằng Kinh thánh đề cập đến mọi vấn đề: Trên trời gồm các vì sao, các vì thiên sứ, Thiên đàng… trên đất bao gồm kinh tế, quân sự, xã hội, khoa học, … ngay cả những việc xảy ra trong địa ngục, hồ lửa đời đời. Nhưng điều chúng ta phải nhớ là: Kinh thánh chỉ nói đến những việc nào CÓ LIÊN QUAN ĐẾN KẾ HOẠCH CỨU RỖI của Chúa Jêsus Christ đối với nhân loại, còn những việc nào không liên quan thì Kinh thánh không nói đến.
  • Đó là lý do sau khi giới thiệu công cuộc sáng tạo trong 1:1, Kinh thánh đã xoay chúng ta về với trái đất, và từ trên trái đất với muôn vật, Kinh thánh đã kéo chúng ta hướng về những vấn đề của con người; từ những vấn đề thuộc con người, Kinh thánh đã giới thiệu một gia tộc của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, rồi một dòng họ của Giu-đa, và một gia đình của Đa-vít, và cuối cùng là Ngài đã hiện ra như một người.
  • Mục tiêu sáng tạo là để Đức Chúa Trời có một đối tượng để yêu thương, Và Chúa bằng lòng trả mọi giá:
  • Trả bằng sự chia sẻ sự sống của Ngài (Sáng. 2:7)
  • Trả bằng chính mạng sống của Ngài trên thập tự giá (Giăng 3:16; Rôma 5:8)
  • Đó là lý do mà Đa-vít phải thốt lên lời ca tụng Chúa: Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng…(Thi thiên 139:14). Chúng ta còn thể tìm đâu câu trả lời về nguồn gốc muôn vật rõ ràng, hợp lý như Kinh thánh sách Sáng. 1:1? Và đó cũng là lý do mà Phao-lô tình nguyện hiến dâng đời sống của ông cho Chúa Jêsus Christ để phục vụ Ngài hầu có thể tỏ lòng biết ơn của ông đối với Chúa: Nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi (Gal. 2:20b)

II/. SỨC MẠNH CỦA SÁNG THẾ KÝ 1:1.
  • Sáng. 1:1
  • Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nhân loại có biết bao nhiêu là lý thuyết tôn giáo để giải thích về Đức Chúa Trời. Nhưng cảm tạ Chúa, ngay câu đầu tiên của Kinh thánh là Sáng thế ký 1:1 cũng có đủ sức mạnh để đánh đổ mọi lý thuyết tôn giáo sai lạc về Đức Chúa Trời đó.
  1. Đối với thuyết Vô thần (Atheism) chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, cho rằng muôn vật tự nhiên mà có. Buồn cười thay, họ có thể chấp nhận muôn vật tự nhiên mà có, mà không chịu chấp nhận một Đấng Tự Nhiên mà có. Rõ ràng họ biết rằng nếu họ chấp nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tự nhiên mà có, thì họ sẽ phải đầu phục Ngài, họ không thể làm Thượng đế được nữa. Cảm ơn Chúa, Sáng thế ký 1:1 chứng minh có một Đức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất, trong đó có họ.
  2. Đối với thuyết Đa thần (Polytheism) cho rằng có nhiều thần, như trong Thần thoại Hi lạp, như trong Ấn độ giáo, Phật giáo với chư Phật, chư Tiên… Mỗi thần có những khả năng nào đó, và cũng có những mặt hạn chế nào đó.
Sáng. 1:1 khẳng định chỉ có một Đức Chúa Trời, là Chân Thần duy nhất đã dựng nên trời và đất nầy, và muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài (Giăng 1:3), nghĩa là những vị mà gọi là thần cũng là tạo vật mà Đức Chúa Trời dựng nên. Buồn thay, con người có thể cúi mình trước các loài thọ tạo, mà không chịu tin nhận Đấng Tạo Hóa.
  1. Đối với thuyết Duy vật (Materiatism): chối bỏ phần thuộc linh, những việc siêu hình, chỉ chú trọng về vật chất, họ coi vật chất như một vị thần đem đến hạnh phúc cho họ.
Dĩ nhiên, vật chất cũng là một nhu cần trong cuộc sống, không thể chối bỏ được. Nhưng con người không chỉ sống bằng vật chất.
Trong khi chất cung tôi trong tù, một Cán bộ Cộng sản nói với tôi: Tôi (người Cán bộ Cộng sản) nói điều nầy không phải để thù nghịch với các anh là người Tin Lành. Nhưng thật sự giữa các anh là người Tin Lành với người Cộng sản chúng tôi không thể hòa hợp được. Vì người Cộng sản chúng tôi theo Chủ nghĩa Duy vật, còn các anh làm tôn giáo là theo Chủ nghĩa Duy tâm, Duy linh. 
Tôi nói với người Cán bộ Cộng sản ấy: Người Cộng sản là duy vật, còn tôn giáo là duy tâm. Nhưng người Tin Lành chúng tôi thì không phải duy vật hay duy tâm, duy linh.
Người Cán Bộ ấy lâp tức hỏi: Thế các anh duy cái gì?
Tôi khẳng định: Người Tin Lành chúng tôi là Duy Chúa!
Duy Chúa là gì?
Duy Chúa là thế nầy – tôi giải thích – Không ai dám phủ nhận nhu cần vật chất, thí dụ như không ai dám nói không cần ăn mà sống được. Nhưng ngược lại cũng không ai dám nói “Tôi chỉ cần ăn là sống”. Chính người Cộng sản theo duy vật, nhưng cũng rất chú trọng đến tư tưởng của một người. Kinh thánh chép rằng, khi Đức Chúa Trời dựng nên con người, Chúa lấy ĐẤT nắn nên hình người, chưa phải là người – đó là một khối vật chất. Đức Chúa Trời còn phải HÀ SANH KHÍ VÀO LỖ MŨI CÁI TƯỢNG NGƯỜI ĐÓ, thì nó mới trở nên người. Như vậy, con người là một tổng hợp giữa VẬT và TÂM LINH.Chúa Jêsus Christ phán: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh – vật chất, mà thôi, song nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời – tâm linh. Thế thì người Tin Lành không phải là duy tâm hay duy vật, mà là duy Chúa. Nói cách khác, khi nào tổng hợp được cái vật và cái tâm, đó là Tin Lành của Chúa Jêsus Christ.
  1. Đối với thuyết tiến hóa Tôn giáo: Thuyết nầy cho rằng Tôn giáo phát khởi từ sơ bộ đến thô sơ nhận thức (mê tín), rồi đến nhận thức phức tạp (thờ thần qua các giai đoạn:
  • bắt đầu thờ linh hồn người chết (Aninism) vì ngu muội, mê tín, chưa có ý niệm về thần
  • sau đó lên cao hơn là Tôn thờ thần vật (Totenism, Fetishism). Họ cho rằng con người phát giác (!) thần sông, thần suối, thần núi, thần lửa, … và bắt đầu thờ lạy các thần đó.
  • Bước thứ ba là con người bắt đầu chọn lựa trong các thần để tìm ra các Thượng đẳng thần (Henotheism) để thờ.
  • Bước cuối cùng là con người tìm cách thờ MỘT THẦN (độc thần) là Đức Chúa Trời.
  • Nhưng rõ ràng Sáng thế ký 1:1 bác bỏ hoàn toàn thuyết tiến hóa tôn giáo nầy, vì Kinh thánh trình bày ngược lại Ban đầu con người thờ một mình Đức Chúa Trời, nhưng về sau, vì phạm tội, sa ngã, nên con người đã bày ra nhiều thần sai lầm để thờ lạy.
  • Đến đây anh chị em có hết lòng cảm ta Chúa không? Chỉ cần một câu Kinh thánh Sáng thế ký 1:1, giá trị Lời Đức Chúa Trời đã rõ ràng cần thiết và đầy uy quyền biết bao. Tôi tin rằng anh chị em hiểu rằng không phải chúng ta chỉ cần học một câu Kinh thánh nầy đủ rồi, nhưng xin Chúa dùng lời nầy để tất cả càng ham thích Lời Chúa, vì sự lạ lùng trong Luật pháp của Chúa. (còn tiếp )

0 BÌNH LUẬN:

Đăng nhận xét

hoithanhkienbai.blogspot.com
hoithanhkienbai.blogspot.com