Đề mục: NGƯỜI MẪU THUỘC LINH
Kinh thánh: Sáng thế ký 6:8-9
Câu gốc: Sáng. 6:8
Mục đích: Học gương của những người mẫu thuộc linh trong sách Sáng thế ký.
I/. NGƯỜI MẪU THUỘC LINH NÔ-Ê:
- Sáng 6:8-9
- Tên của Nô-ê có nghĩa là YÊN NGHỈ, như lời cha của Nô-ê là Lê-méc đã nói khi đặt tên cho Nô-ê (Sáng 5:29).
- Nô-ê là cháu 10 đời từ A-đam, ông có 3 người con trai và sống đến 950 tuổi.
- Kinh thánh sách Sáng thế ký 6:9 làm chứng rằng Nô-ê là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời nghĩa là đời sống đẹp lòng Chúa, luôn biết vâng lời Chúa.
- Đời sống thuộc linh nầy được thể hiện rõ ràng qua:
- 6:22, Nô-ê đã vâng lời Đức Chúa Trời, làm các điều nầy Y NHƯ lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Nô-ê đã vâng lời Đức Chúa Trời làm một việc mà mọi người thời bấy giờ có thể coi Nô-ê là một người không bình thường. Ông đã đóng một chiếc tàu có kích thước khác thường, với lời rao báo cũng khác thường về một nạn lụt tiêu diệt thế giới tội ác thời đó.
Thật ra, nếu có Nô-ê ngày nay rao giảng một sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên TOÀN THẾ GIỚI, thì sẽ có rất nhiều người sẽ không tin, vì lý luận rằng làm sao có thể xảy ra hiện tượng nước lụt toàn phần cùng một lúc trên toàn thế giới? Một đời sống đi ngược lại quan điểm chung của cả thế giới không phải là dễ dàng, như I Phierơ 4:4, Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê.
Cảm ơn Chúa, Kinh thánh làm chứng rằng Nô-ê LÀM Y NHƯ Chúa phán (Sáng. 7:5).
Cảm ơn Chúa, Kinh thánh làm chứng rằng Nô-ê LÀM Y NHƯ Chúa phán (Sáng. 7:5).
- 8:20, Nô-ê là một người thuộc linh cầu nguyện. Mặc dù Kinh thánh không nói trước khi Nước lụt và sau khi Nước lụt, đời sống cầu nguyện của Nô-ê như thế nào, nhưng tôi tin chắc rằng sự đẹp lòng của Chúa đối với Nô-ê, trong đó có đẹp lòng vì đời sống cầu nguyện của ông với Chúa.
Cảm ơn Chúa, vừa qua cơn Nước lụt, điều đầu tiên của Nô-ê không phải là lo ổn định chỗ ở, việc làm sinh sống, mà là Lập Một Bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Đây lại là một việc trái lẽ thông thường. Trong sách tiên tri A-ghê 1:2-4, dân Y-sơ-ra-ên sau 70 năm lưu đày trở về, điều họ quan tâm là lo cho nhà mình đầy đủ trước đã, trong khi Nhà Chúa thì hoang vu, và Chúa đã quở trách họ.
Còn Nô-ê thì thật sự là một người mẫu thuộc linh trong đời sống tương giao với Chúa qua sự vâng theo Lời Chúa dạy và cầu nguyện với Chúa
Còn Nô-ê thì thật sự là một người mẫu thuộc linh trong đời sống tương giao với Chúa qua sự vâng theo Lời Chúa dạy và cầu nguyện với Chúa
- Bài học không vui về Nô-ê là sau thành công thuộc linh qua cơn Nước lụt, Nô-ê đã khởi cày đất và trồng nho. Người uống rượu say… Kết quả của sự hư hỏng đó là dòng dõi con cháu của ông bị rủa sả (Sáng 9:20-25). Cha ăn trái nho chua khiến con ghê răng.
- Con người chúng ta thường dễ phạm tội sau những thành công hơn là trong lúc khó khăn. Hãy xem:
- I Sa-mu-ên 10:20-3, Sau-lơ thật là khiêm nhường khi được đề cử làm vua. Nhưng khi đã lên ngôi và thành công vài trận, thì Sau-lơ đã phạm tội kiêu ngạo tiếm vị tế lễ của Sa-mu-ên.
- II Sa-mu-ên 11:1, sau những thành công chiến trường, Đa-vít đã phạm tội với Bát-sê-ba và bị Chúa sửa phạt nặng nề.
- Xin Chúa ban ơn cho mỗi Cơ-Đốc nhân chúng ta mỗi lần nghe nói Nước lụt, mỗi lần nghe nói đến rượu, Thánh Linh Đức Chúa Trời nhắc chúng ta nhớ đến người mẫu thuộc linh Nô-ê để tỉnh thức.
II/. NGƯỜI MẪU THUỘC LINH: ÁP-RA-HAM
- Sáng 17:5.
- Tên của Áp-ra ham có nghĩa là Cha của nhiều dân tộc. Tên của cha mẹ đặt cho ông là Áp-ram có nghĩa là cha cao quý, và Chúa đã đổi tên cho ông như một dấu hiệu nâng cao phước hạnh cho ông, từ cha cao quý lên làm cha của nhiều dân tộc.
- Nói đến Áp-ra-ham là nói đến Đời sống Đức tin và chính đời sống đó đã khiến ông được tôn làm tổ phụ đức tin cho riêng dân Y-sơ-ra-ên và chung cho cả Cơ-Đốc nhân. Đời sống đức tin của ông thể hiện qua:
- Sáng 12:1-4, Áp-ra-ham đã thể hiện đức tin – một sự tin cậy nơi Chúa hoàn toàn, qua việc ông lìa bỏ quê hương thờ hình tượng để đi đến một xứ theo tiếng Chúa gọi, mà chính ông không biết mình đi đâu (Hê. 11:8).
- Sáng 22:2-3, đời sống đức tin của Áp-ra-ham đã thể hiện rõ nét thêm nữa qua việc ông vâng lời Đức Giê-hô-va cách trọn vẹn, bằng lòng dâng chính con trai lời hứa của mình là Y-sác cho Đức Chúa Trời.
Việc dâng con nầy không phải là dâng con trong Hội thánh hiện nay, mà Đức Chúa Trời đòi hỏi Áp-ra-ham dùng con của ông – một đứa con trai duy nhất theo lời hứa, làm sinh tế của lễ thiêu.
Chúng ta thấy hai câu Kinh thánh Sáng 17:2 và 3 là một cuộc chiến đấu đối với Áp-ra-ham qua cách sử dụng từ ngữ của tác giả viết sách:
Chúng ta thấy hai câu Kinh thánh Sáng 17:2 và 3 là một cuộc chiến đấu đối với Áp-ra-ham qua cách sử dụng từ ngữ của tác giả viết sách:
- 17:2, trong khi kêu gọi Áp-ra-ham dâng con là Y-sác cho Ngài, Chúa đã nhấn mạnh: đứa con một người yêu dấu là Y-sác… dâng đứa con làm của lễ thiêu. Những chữ: con một, yêu dấu, của lễ thiêu, chắc chắn đã xoáy lòng của người cha già Áp-ra-ham.
- 17:3, để đối lại sự đòi hỏi quá mức của Đức Chúa Trời, Kinh thánh chỉ ghi lại: Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa… con mình, …chặt củi để dùng của lễ thiêu… Nói lên một tinh thần sẵn sàng phục vụ Chúa, dù sự đòi hỏi của Chúa dường như không hợp lý. Cảm ơn Chúa, Áp-ra-ham đã vâng lời, vâng lời cách tích cực và trọn vẹn, không biện luận, không phàn nàn, không do dự.
- Nói như vậy, không có nghĩa Áp-ra-ham là một người trọn lành. Trái lại, hai lần Áp-ra-ham đã phạm tội nói dối – mà Khải. 21:8 qui định tội nói dối không được vào Thiên đàng.
- Sáng. 12:10-13, nói dối tại xứ Ai-cập để giữ mạng sống mình. xưng gọi vợ của ông là em gái của ông, dù Sa-ra cũng là em gái bà con với ông.
- Sáng. 20:1-2, một lần nữa, Áp-ra-ham lại nói dối.
- Điều mà chúng ta học được nơi Áp-ra-ham là ông không hề biện luận gì với Chúa, dù khi bị quở trách về tội lỗi.
- Chúa bảo đi, thì ông đi, dù không biết đi đâu, ông cũng không hỏi, vì ông tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng không bao giờ dắt dẫn ông cách sai lầm.
- Chúa bảo dâng, thì ông dâng, dù là dâng con trai một của mình cho Chúa, vì ông tin cậy rằng Đức Chúa Trời là thành tín, đã hứa ban phước cho dòng dõi ông thì Ngài sẽ làm thành.
- Chúa quở trách ông về tội lỗi, dù có một phần ông nói đúng khi gọi vợ của ông là em gái, ông cứ yên lặng chịu sửa phạt, vì ông tin cậy Đức Chúa Trời yêu thương sẽ tha thứ cho ông.
- Cảm ơn Chúa, Ngài đã chọn một người bình thường với nhiều yếu đuối nhưng biết tin cậy nơi Ngài là Áp-ra-ham làm Tổ phụ đức tin.
III/. NGƯỜI MẪU THUỘC LINH: Y-SÁC:
- Sáng. 21:1-3.
- Tiến sĩ Tozer rong một quyển sách của ông đã nói đến ba hạng người:
- Hạng người Vĩ đại mà không đạo đức: Những người đó như Hitler, nhà độc tài Đức Quốc Xã.
- Hạng người Vĩ đại và Đạo đức: như Áp-ra-ham, Môi-se.
- Hạng người Đạo đức mà không vĩ đại: Tiến sĩ Tozer đã xếp Y-sác vào hạng người Đạo đức mà không Vĩ đại. Suốt cuộc đời của Y-sác, 180 tuổi (35:28), không làm được điều gì vĩ đại như cha của ông là Áp-ra-ham, không có chiến trận nào, không có khó khăn nào.
- Tên của ông có nghĩa là Vui cười.
- Có lẽ tên của Y-sác bày tỏ tánh tình vui vẻ của ông, không thích tranh cạnh, luôn nhường nhịn. Tánh tình nầy thể hiện qua việc không tranh chấp với những người Phi-li-tin về những giếng nước mà ông tìm được. Sự tranh chấp nầy không đơn giản chút nào, vì giếng nước là sự sống còn của nghề chăn chiên ở xứ Palestine.
- Y-sác có những yếu đuối, và những yếu đuối đó suýt gây tai họa cho ông và dòng dõi của ông. Những yếu đuối đó là:
- 26:6-9, Y-sác đã nói dối như cha của ông khi sợ vì người vợ đẹp của ông là Rê-be-ca mà mạng sống của ông bị đe dọa. Y-sác đã bị vua A-bi-mê-léc quở trách.
- 27:2-4, Y-sác có một yếu đuối nữa là để trong gia đình có cảnh con yêu con ghét, để rồi hai con của ông là Ê-sau và Gia-cốp đánh mất tình anh em đến nỗi suýt giết nhau (27:41).
- Đó là những yếu đuối của Y-sác, nhưng ông là người không tranh cãi, được các nhà giải kinh chọn làm hình bóng về sự vâng phục đến chết của Chúa Jêsus Christ (Philíp 2:6-8), qua việc ông để cha mình là Áp-ra-ham trói lại đặt lên bàn thờ có củi khô để chịu giết làm của lễ thiêu.
- Y-sác thật là một người mẫu thuộc linh cho đời sống Cơ-Đốc nhân, yên lặng nhịn nhục giữa đời thường, đúng như Thi thiên 46:10, Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời… Bởi đó Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho sự khiêm nhường nhịn nhục của ông, đến nỗi ngay cả vua A-bi-mê-léc cũng phải nhìn nhận phước Chúa đã ban cho ông (Sáng 26:28)
- Tôi mong có ai đó trong anh chị em có thể hát bài: NGUYỆN TÔI ĐƯỢC ĐỔI MỚI, NGUỒN PHƯỚC CHO MUÔN NGƯỜI, QUA NẾP SỐNG TÔI, JÊSUS VINH QUANG! LÒNG NAY ĐƯỢC ĐỔI MỚI, LẠY JÊSUS YÊU QUÝ, NGUYỀN XIN ƠN PHƯỚC NGÀI PHÁT LƯU RA QUA TÔI.
- Thật ra làm nguồn phước cho muôn người, làm cho ơn phước của Chúa phát lưu ra qua đời sống chúng ta, đó cũng đã là vĩ đại rồi. Nguyện đời sống của mỗi Cơ-Đốc nhân chúng ta là những Y-sác – sự vui cười - cho nhiều người.
IV/. NGƯỜI MẪU THUỘC LINH GIA-CỐP:
- Sáng. 32:28
- Đặc điểm đời sống của Gia-cốp là có hai tên, mỗi tên đánh dấu một con người thật của ông:
- Sáng. 25:26, tên cha mẹ đặt cho ông là Gia-cốp, theo đúng bản tánh cũ của ông từ lúc mới sanh ra đã tranh giành với anh mình bằng cách nắm gót người anh song sinh khi lọt lòng mẹ. Suốt cuộc đời của ông từ đó đến khi bị Chúa đánh hạ, là một chuỗi ngày gian dối, thủ đoạn, lừa gạt: gạt cha, gạt anh, gạt cậu cũng là cha vợ.
- Sáng. 32:28, ông còn có tên là Y-sơ-ra-ên, là tên mà Đức Chúa Trời đã đặt cho ông tại rạch Gia-bốc, sau một cuộc vật lộn với thiên sứ của Đức Giê-hô-va và bị Chúa đánh hạ. Từ nay, đời sống ông được biến cãi hòa thuận với anh mình, thương yêu con mình, từ đó Y-sơ-ra-ên đã bước đi theo đức tin.
- Gia-cốp đã tóm tắt cả cuộc đời của ông trong một câu khi trả lời vua Ai-cập như sau:Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn… (Sáng. 47:9).
- Thật sự đời sống của Gia-cốp rõ ràng là một cuộc phiêu lưu hình bóng cho cuộc phiêu lưu thuộc linh Cơ-Đốc ngày nay:
- Từ một người đầy gian xảo, lừa gạt, thủ đoạn, được Đức Chúa Trời yêu thương cứu rỗi để trở thành một thánh nhân, tổ phụ của một dân tộc có 12 chi phái.
- Đời sống của ông là bài học cho chúng ta tỉnh thức về hậu quả của tội lỗi. Hành vi lừa gạt cha, gạt anh, gạt cậu, đã bị các con gạt lại với đau buồn đến nỗi để tang luôn xuống âm phủ (Sáng. 37:35).
- Khi Gia-cốp trở thành Y-sơ-ra-ên, cảm ơn Chúa, hoàn toàn là một đời sống mới, những sự cũ qua đi, mọi sự đều trở nên mới. Những dấu tích của tên Gia-cốp không còn vướng vít ông nữa, mà ông thật là một Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời.
- Vấn đề đối với Đức Chúa Trời không phải là chúng ta tội nhiều hay ít, tội nặng hay nhẹ, mà là có ăn năn và có để Chúa đổi mới đời sống chúng ta hay không.
- Phao-lô nhắc chúng ta về lẽ thật đầy ân điển trong I Côrintô 1:28-29, Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, ĐỂ CHẲNG AI KHOE MÌNH TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI.
V/. NGƯỜI MẪU THUỘC LINH GIÔ-SÉP:
- Sáng. 41:38-39
- Chúng ta phải nói ngay một điều là các nhà giải kinh đều đồng ý Giô-sép làm hình bóng rõ ràng về Chúa Jêsus Christ, với các đặc điểm như sau:
- 37:3 (so với Ma-thi-ơ 3:17), được Cha yêu thương
- 37:4 (so với Giăng 15:25), bị anh em mình ghen ghét
- 37:18 (so với Ma-thi-ơ 3-4, bị mưu giết.
- 41:1-45 (so với Công vụ 15:14), trở nên phước hạnh cho dân ngoại, và được người vợ là dân ngoại.
- 41:38-39 (so với Giăng 3:34b), được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
- 45:1-15 (so với Rôma 11:1, 15, 25-28) đem lại sự hòa thuận giữa anh em.
- Đặc biệt là Giô-sép đã xuống các miền thấp dưới đất, với việc bị tù, bị phản bội ngay trong nhà giam – đã bị tù rồi mà còn bị phản bội! để rồi ông được đem lên rất cao với chức vụ là Thủ tướng của Ai-cập. Đó là hình bóng của Chúa Jêsus Christ hạ mình xuốngthậm chí chết trên thập tự giá… vì thế Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, ban cho Ngài danh trên hết mọi danh.
- Nói chung lại, học sách Sáng thế ký thì chúng ta không thể quên các nhân vật nổi bật nầy, vì đó là những người mẫu thuộc linh để chúng ta nhờ đó bước đi. Nếu chúng ta có thể tóm tắt lại năm (5) người mẫu thuộc linh nầy, chúng ta có được một từng trải thuộc linh Cơ-Đốc quý báu như sau:
- Với Nô-ê, Cơ-Đốc nhân là người được cứu khỏi địa ngục hình phạt khủng khiếp nhất.
- Với Áp-ra-ham, Cơ-Đốc nhân chúng ta được cứu ấy là bởi ân điển và đức tin, điều ấy không phải đến từ anh em.
- Với Y-sác, Cơ-Đốc nhân phải có bản tánh hiền lành, nhu mì, khiêm nhường giữa đời nầy.
- Với Gia-cốp, Cơ-Đốc nhân phải dứt khoát với đời sống cũ tội lỗi, sống đời sống bước đi trong đức tin.
- Và với Giô-sép, Cơ-Đốc nhân phải là người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, được mọi người nhìn nhận, kể cả người chưa tin Chúa.
- Anh chị em có nhận diện được hình ảnh của chính mình qua 5 người mẫu thuộc linh đó không?
------------HẾT--------Nguồn http://vietnamesetheologicalreview.org
0 BÌNH LUẬN:
Đăng nhận xét